Trần Khắc Điền (*)

Phát triển dự án đầu tư mới – chiến lược tăng trưởng vượt bậc của doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam trong thế kỷ 21.

Bình minh của thế kỷ 21 chính là sự thay đổi rộng khắp của nền kinh tế toàn cầu. Khả năng nhanh chóng thích nghi được với sự thay đổi đã trở thành yếu tố sống còn của doanh nghiệp. Việc quản lý dự án đã có một bước chuyển biến từ chỗ chỉ là nguyên tắc về kỹ thuật công nghiệp đã trở thành động cơ cho các hoạt động quản lý công ty, sau đó là sự ra đời của các “văn phòng quản lý dự án” để triển khai công tác quản lý dự án đầu tư.

Nhiều tổ chức & tập đoàn kinh doanh đa quốc gia thậm chí đã có một bước tiến xa hơn trong việc “dự án hóa” các hoạt động trong doanh nghiệp của mình nhằm tăng năng suất, đáp ứng nhanh & hiệu quả hơn đối với những thay đổi của điều kiện thị trường. Hiện nay, đã có rất nhiều tổ chức quốc tế, các đập đoàn đa quốc gia và doanh nghiệp hoạt động theo mô hình dự án.

Bắt đầu từ năng lực quản lý dự án – sức mạnh chiến lược của doanh nghiệp

Một dự án được định nghĩa là các công việc mang tính chất tạm thời và tạo ra các kết quả là duy nhất. Bản chất mỗi dự án đều mang một nét riêng về thời gian tồn tại, ngân sách, sản phẩm, yêu cầu nhân lực & rủi ro. Khi công việc được hoàn thành thì nhóm dự án sẽ giải tán hoặc được luân chuyển sang những dự án mới, ví dụ như:

  • Nghiên cứu, thiết kế dây chuyền công nghệ và xây dựng quy trình sản xuất cho nhà máy chế biến là một dự án, các hoạt động sản xuất sản phẩm trở thành hoạt động mang tính chất liên tục, lặp lại & tiếp diễn.
  • Tổ chức triển khai ứng dụng hệ thống ERP cho doanh nghiệp là một dự án, trong khi đó các hoạt động mang tính chuyên môn trên nảng tảng ERP như quản lý đơn đặt hàng, quản lý hàng tồn kho, tính toán & kết chuyển giá thành sản xuất… là những quá trình hoạt động có tính chất ổn định & lặp lại.

Xu thế của sự thay đổi chưa từng có đã tạo nên những thách thức và cơ hội mới. Như vậy, để thích nghi với tốc độ thay đổi ngày càng nhanh chóng của thị trường, các doanh nghiệp phải có khả năng chuyển hướng doanh nghiệp của mình thành doanh nghiệp hoạt động theo dự án và biến khả năng này trở thành một “năng lực đặc biệt” trong hoạch định chiến lược phát triển của doanh nghiệp. Do sự thay đổi diễn ra liên tục nên các nguyên tắc quản lý dự án được chuyển đến vị trí hàng đầu trong việc đánh giá năng lực tổ chức của doanh nghiệp bởi vì sự thay đổi của doanh nghiệp chỉ hoàn tất thông qua các dự án.

Quản lý dự án là một năng lực có thể làm thay đổi về cơ bản năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Các dự án được thực thi hiệu quả sẽ cho phép doanh nghiệp đề ra nhiều mục tiêu tăng trưởng khi chi phí cho mỗi dự án thấp hơn, hoạt động nhanh & hiệu quả hơn, khi đó doanh nghiệp có điều kiện thực hiện các chương trình cải tổ sâu rộng hơn về mặt hiệu suất, về sự thỏa mãn khách hàng, hay nhanh chóng cho ra đời các sản phẩm/dịch vụ mới… Sự thực hiện tốt hơn các đối thủ cạnh tranh là một lý do để quản lý dự án là một ưu thế chiến lược và có thể trở thành sức mạnh chiến lược của một doanh nghiệp.

Quản lý dự án là một sức mạnh chiến lược vì nó giúp doanh nghiệp giảm thiểu rủi ro, chính nó làm biến đổi phương trình “cơ hội & rủi ro” trong kế hoạch phát triển dự án đầu tư mới của doanh nghiệp. Nó tạo nên những dự án có chất lượng tốt hơn, dự báo chi phí & thời gian chính xác hơn, đồng thời cũng nhận diện được vấn đề sớm & toàn diện hơn.

Phát triển dự án đầu tư mới nhằm thực thi chiến lược tăng trưởng của doanh nghiệp

Trong lĩnh vực nông nghiệp, để tăng cường năng lực cạnh tranh, duy trì tốc độ tăng trưởng trong dài hạn & tối đa hóa lợi nhuận cho cổ đông, thì tư duy về chuỗi giá trị sẽ thúc đẩy doanh nghiệp tập trung phát triển các dự án đầu tư mới như là một phần quan trọng nhất trong chiến lược phát triển của doanh nghiệp, ví dụ: các dự án phát triển vùng trồng nhằm cung ứng nguyên liệu cho nhà máy chế biến nông sản; các dự án xây dựng nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ nhằm phục vụ cho chiến lược phát triển vùng trồng liên kết của doanh nghiệp; các dự án nhà máy chế biến sâu nông sản kết hợp với ứng dụng công nghệ truy xuất & truy nguyên sản phẩm nhằm tiếp cận một số thị trường chiến lược (Âu – Mỹ – Nhật) vốn luôn có những yêu cầu rất khắt khe về chất lượng sản phẩm, về trách nhiệm xã hội & ý thức bảo vệ môi trường…

Một cái nhìn tổng thể, nông nghiệp Việt Nam thật khó để phát triển nếu cơ cấu ngành phần lớn chỉ dựa vào trồng trọt, chăn nuôi hoặc nuôi trồng để cung ứng nguồn nguyên liệu tươi thô cho thị trường thế giới, hoặc chỉ tập trung nâng cao năng suất & hạ giá thành sản phẩm. “Phát triển vùng trồng trước, nhà máy đi sau” là mô hình đầu tư an toàn trong ngắn hạn, nhưng “xây dựng nhà máy trước & phát triển vùng nguyên liệu sau” mới thực sự là bài toán kinh tế thành công trong dài hạn. Đây là điểm yếu trong tư duy chiến lược của nhiều doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp SME do bởi sự hạn chế về các nguồn lực chiến lược, bao gồm: 1. Chiến lược, 2. Thông tin, 3. Công nghệ, 4. Vốn, 5. Quản trị, và 6. Nguồn nhân lực.

Theo nhận định của chúng tôi, sự tăng trưởng trong tương lai của ngành nông nghiệp Việt Nam sẽ đến từ kết quả phát triển thành công các dự án đầu tư mới, tạo nên sản phẩm mới, thị trường mới, hoặc thậm chí là chuỗi giá trị mới liên ngành liên quan đến nông nghiệp, ví dụ như: các dự án nghiên cứu & ứng dụng công nghệ sinh học; các dự án sản xuất phân bón hữu cơ phục vụ nông nghiệp gắn với các hoạt động bảo vệ môi trường; các dự án trong lĩnh vực kỹ thuật động lực & tự động hóa; các dự án trong lĩnh vực dịch vụ nông nghiệp & ứng dụng công nghệ 4.0… Phát triển dự án đầu tư mới là một trong số những tùy chọn chiến lược trong hoạch định chiến lược kinh doanh (business strategy) hoặc chiến lược công ty (corporate strategy) của doanh nghiệp.

Cơ hội & vai trò của Chuyên gia phát triển dự án đầu tư

Nông nghiệp Việt Nam đã đến lúc không thể chỉ chú trọng vào các chỉ tiêu sản lượng xuất khẩu, mà nhất quyết phải chuyển sang nền nông nghiệp chất lượng cao, tiến tới xây dựng một nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn, ứng dụng công nghệ cao hiệu quả và bền vững. Lợi thế của một số sản phẩm nông sản không đồng nghĩa đó là sức mạnh của một Doanh nghiệp, và càng không thể là đại diện cho sức mạnh cạnh tranh của nền nông nghiệp Việt Nam.

Để sản xuất nông nghiệp bền vững thì sản xuất theo chuỗi giá trị có ý nghĩa vô cùng to lớn, nhất là khi nước ta đang hội nhập sâu rộng với thế giới với sản phẩm nông nghiệp chủ yếu là để xuất khẩu. Để một ý tưởng, một giải pháp lớn của doanh nghiệp phát triển thành dự án đầu tư và triển khai được trong thực tế đòi hỏi phải có một chuyên gia đóng vai trò như một “nhạc trưởng” trong dàn nhạc hợp xướng trong suốt thời gian “thai nghén” và “trưởng thành” của một dự án đầu tư.

Trong vai trò là một chuyên gia phát triển dự án đầu tư, “Chuyên gia” phải có kinh nghiệm, uy tín xã hội & một năng lực tổng hợp, đảm đương được những nhiệm vụ quan trọng & mang tính quyết định trong một dự án đầu tư như kiến tạo mô hình kinh doanh, lập báo cáo khả thi dự án đầu tư, tư vấn phát triển quỹ đất nông nghiệp, tư vấn chuyển giao công nghệ, tư vấn phát triển nguồn vốn, tổ chức triển khai xây dựng dự án và xây dựng doanh nghiệp. Thông qua bài viết này, chúng tôi mong muốn được chia sẻ những gì mà chúng tôi đang làm, và hy vọng cùng chung tay đóng góp cho sự phát triển của một lĩnh vực nghề nghiệp mới ở Việt Nam nhưng cũng vô cùng thách thức, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp.

Trần Khắc Điền

Chuyên gia tư vấn của Strategic Foresight

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *